Dinh toàn quyền Đông Dương (Gouvernement général d’Indochine) là trụ sở hành chính cấp trung ương được xây dựng dùng làm nơi ở và làm việc của các vị Toàn quyền Đông Dương (người có quyền hành cao nhất trong thể chế chính trị Pháp trên toàn cõi Đông Dương) – lịch sử tòa nhà này được gắn liền với các Toàn quyền người Pháp nối tiếp từ những năm cuối thế kỷ 19 đến năm 1945.
Phủ Chủ tịch (trước kia là Dinh toàn quyền Đông Dương).
Công trình do kiến trúc sư Charles Lichtenfelder thiết kế năm 1900, được xây dựng năm 1902 và hoàn thành năm 1906 trên khu đất rất rộng và nhiều cây xanh trước đó thuộc vườn Bách Thảo, án ngữ tuyến phố La République (phố Hoàng Văn Thụ ngày nay) và nhìn ra quảng trường Puginier (nay là quảng trường Ba Đình) nơi được coi là hạt nhân bố cục trung tâm hành chính của Hà Nội thời gian sau đó. Khuôn viên bên trong được ngăn cách bên ngoài một rào cây xanh và hào nước qua bám sát một lan can trụ thấp, cổng chính được làm bằng thép có phong cách trang trí thời Phục Hưng, các chi tiết được liên kết khá cầu kỳ bằng đinh tán, vọng gác hai bên được xây dựng cũng khá cầu kỳ, các diện tường chạy gờ chỉ ngang bên dưới các Fronton càng làm tăng vẻ tráng lệ mà nghiêm trang của công trình mang tính cường quyền này.
Bản vẽ mặt chính do Charles Lichtenfelder thiết kế năm 1900
Mặt bằng tầng 1
Công trình gồm 4 tầng: Dưới cùng là tầng hầm dành cho các phòng phục vụ gồm 11 phòng dung làm nơi để lương thực, bếp, điện, máy bơm nước và phòng lưu trữ công văn. Tầng trệt có 10 phòng chính, 1 phòng khánh tiết của hội đồng cấp cao Đông Dương diện tích rất lớn, xung quang là các phòng của sĩ quan tùy tùng, phòng làm việc và phòng của nhân viên phục vụ; tầng 2 có sân trời gồm 9 phòng chính, 1 làm việc của Toàn quyền Đông Dương, phòng họp, 2 phòng khách, 2 phòng ngủ, 1 phòng ăn cùng các phòng làm việc; tầng 3 là nơi sinh hoạt của gia đình viên Toàn quyền. Vật liệu xây dựng công trình đều là những loại đặc biệt như gỗ thông nhập từ Bắc Mỹ, Na Uy, xi măng Portland, thép, gang, tôn, kính, sơn đều đặt mua mang từ Pháp, chỉ có cát, đá, sỏi và vôi là lấy sẵn ở địa phương. Các chi tiết xây dựng đều được thực hiện khá tỉ mỉ và cẩn thận.
Mặt bằng công trình hình gần vuông theo kiểu Palladio thời Phục hưng hậu kỳ có lối vào từ 3 phía mang tính đối xứng nghiêm ngặt, đây cũng là nét độc đáo của toà nhà vì ở Hà Nội chỉ có duy nhất Dinh Toàn quyền là có dạng mặt bằng này. Phía trước sảnh chính là một cầu thang đại hội lớn xây bằng đá rất rộng, có nhiều bậc và được kéo thẳng lên tầng một càng làm tăng tính kỳ vĩ của công trình. Cầu thang ở những phía còn lại có bản thang nhỏ gọn hơn nhưng cũng được trang hoàng bằng các hình thức đậm chất Cổ điển. Nhìn chung thiết kế mặt bằng của Charles Lichtenfelder dựa trên nền tảng của sự đăng đối trong việc bố trí các không gian, vị trí các cửa cũng như cầu thang trong và ngoài nhà… tất cả là sự hài hòa theo tinh thần Tân cổ điển. Nội thất được bài trí theo phong cách vương giả, cầu kỳ gồm các chi tiết thời Louis XV, Phục Hưng hay Đế chế Pháp. Tùy vào mỗi lần thay đổi Toàn quyền, người kế nhiệm lại thay đổi, trang trí theo ý thích riêng mà bên trong công trình lại được sửa chữa, tu bổ nên nội thất công trình phần nào mang tính Triết chung.
-
Mặt sau Dinh toàn quyền Đông Dương đầu thế kỷ 20.
Mặt chính công trình cho thấy ảnh hưởng của phong cách kiến trúc Palladio với sự tuân thủ nhịp điệu đặc – rỗng – đặc và các hàng cột thức cổ điển giàu tính trang trí. Toàn bộ công trình được đặt trên một tầng đế chắc đậm với lượng mở cửa rất nhỏ, tường xây tạo chỉ lõm, các bậc thang bằng đá nhấn mạnh tính bề thế. Mặt nhà chia thành 3 phần rõ rệt theo phương ngang. Khu vực trung tâm mang tính rỗng, được trang trí bằng các hàng cột La Mã, tầng 1 dùng thức Doric mạnh mẽ, tầng 2 dùng thức Ionic nhẹ nhàng, giữa hàng cột là các cửa mở rộng và kết thúc theo kiểu cuốn vòm, phần trên khá nhẹ với các ô cửa hình vuông phía dưới một diềm mái được trang trí rất tinh tế. Kết thúc theo phương ngang là hai khối nhô mạnh ra phía trước (avantcorps) mang tính đặc với hai hàng cửa có tương quan diện tích tương đối nhỏ so với mặt tường nhưng được trang trí cầu kỳ, hai phía cửa đều được nhấn bởi các thức cột, tầng dưới thức Doric, tầng trên thức Ionic, kết thúc phía trên bằng hình thức hai Fronton xếp chồng lên nhau theo kiểu Baroque.
Các mặt bên không sử dụng thức cột cổ điển nhưng vẫn tuân thủ tính đối xứng nghiêm ngặt. Tầng trệt và tầng 3 vẫn tuân thủ quy luật bố trí cửa trên mặt chính với lượng mở cửa nhỏ, khu vực giữa tầng một là hệ 5cửa sổ và cửa đi cấu tạo kiểu vòm cuốn composite, phía trên có các hoa văn trang trí hình hoa lá đắp nổi, tầng 2 là các cửa chữ nhật kiểu Corinth có ban công chạy dài suốt khu vực giữa nhà. Khối kết thúc hai phía mặt bên có các cặp cửa cuốn kép composite ở tầng 1, tầng 2 có ban công nhỏ ở giữa là cửa đi được trang trí cầu kỳ bởi các cột nhỏ theo thức Ionic, phía trên là một vòm trang trí kiểu Corinth.
Nội thất phòng khánh tiết
Nội thất phòng ăn
Chi tiết Fronton phong cách Baroque trên cửa sổ và cổng chính Dinh Toàn quyền
Chi tiết Fronton phong cách Baroque trên cửa sổ và cổng chính Dinh Toàn quyền
Mặt sau nhà là thể hiện lặp lại theo quy luật của mặt chính nhưng ở mức độ đơn giản hơn nhiều về tính trang trí. Nét nổi bật ở đây là hệ cột Corinth La Mã có độ cao vượt suốt hai tầng nhà, phía dưới là ba cửa cuốn vòm Composte, tương ứng với ba cửa chữ nhật kiểu Corinth ở phía trên. Kết thúc hai phía cũng là những khối đặc nhô ra theo kiểu avantcorps với ban công và cửa đi cuốn vòm ở tầng 1, ban công nhỏ cùng cửa đi được trang trí thống nhất với mặt bên ở tầng 2.
Bên cạnh việc tuân thủ các quy tắc tổ chức không gian mặt đứng thời Phục hưng hậu kỳ, các chi tiết trang trí trên mặt đứng cho thấy công trình còn mang ảnh hưởng của phong cách Baroque với những đường cong uốn lượn, các Fronton xếp chồng lên nhau cùng các cửa mắt bò (oeil de boeuf). Chính sự pha trộn này cũng làm tăng thêm nét duyên dáng của công trình.
Với tư cách trụ sở cơ quan quyền lực cao nhất toàn xứ Đông Dương, với tính chất một công trình long trọng, nguy nga, được xử lý nhuần nhuyễn theo nguyên tắc kiến trúc Phục hưng hậu kỳ, Dinh Toàn quyền Đông Dương xứng đáng là đại diện lớn nhất cho thể loại nhà hành chính theo phong cách Tân cổ điển ở Hà Nội.
ThS.KTS Trần Quốc Bảo
Giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng, Nhóm nghiên cứu Kiến trúc Hà Nội cận-đại (GRAH)
Bình luận