Di sản kiến trúc Pháp – Đông Dương ở Hà Nội đang xuống cấp
16-08-2023 by Phanblogs@bois.com.vn
Di sản kiến trúc Pháp – Đông Dương ở Hà Nội đang xuống cấp
“Dường như, di sản thực sự đang đối diện với sự đe dọa, khi nhiều công trình kiến trúc Pháp – Đông Dương ở Hà Nội đang xuống cấp. Việc sao chép, học tập phong cách, hay tôn tạo, làm mới như hiện nay là cách tôn vinh, phát huy giá trị di sản hay làm cho kiến trúc thực sự bị pha loãng, mất đi giá trị đích thực của nó…? Còn nhiều điều phải bàn đến để nối dài sứ mệnh di sản, để di sản kiến trúc hôm nay vẫn là di sản hiện hữu ngày mai”, TS. KTS Lê Phước Anh nói.
Như viên ngọc quý
Những công trình kiến trúc Pháp – Đông Dương tại thủ đô Hà Nội chính là di sản quý báu, không chỉ về mặt kiến trúc mà còn là lịch sử, văn hóa, chứng kiến một thời kỳ đầy biến động, làm nên nét đặc trưng văn hóa của thành phố ngàn năm. Trong nhịp sống thời nay, khi mà nhiều câu chuyện về giữ gìn giá trị văn hóa trở thành điểm nóng thì nét đẹp của kiến trúc Pháp tại Hà Nội như một di sản riêng, mang tâm hồn, tính cách Hà Nội.
Các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu văn hóa nhận định, trong dòng chảy của đời sống đương đại, di sản của quá khứ giống như đường dẫn để tìm về, thêm hiểu văn hóa và lịch sử đất nước. Chúng ta ngày càng thống nhất ghi nhận tầm quan trọng, vai trò, ý nghĩa của di sản kiến trúc Pháp – Đông Dương đối với lịch sử của Hà Nội và trong đời sống hôm nay. Các công trình kiến trúc Pháp hiện nay ở Hà Nội vẫn là những điểm đến quan trọng của thủ đô.
Diện mạo đô thị được hình thành từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, gắn với sự chuyển dịch từ tổ hợp bản địa – truyền thống – nông nghiệp, từ Nho giáo phương Đông sang văn minh phương Tây… đã trình diện mạnh mẽ ở Hà Nội; một Hà Nội yên tĩnh, trữ tình và lắng đọng được ví như một phiên bản Paris thu nhỏ, ngày nay vẫn còn được bảo lưu qua nhiều công trình kiến trúc như cầu Long Biên, Nhà hát Lớn, Phủ Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch), Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ), trụ sở Tài chính Đông Dương (nay là Bộ Ngoại giao), khách sạn Metropole…
Trong cuốn sách khảo cứu “Kiến trúc Pháp – Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội”, nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến chia sẻ anh bắt tay thực hiện cuốn sách với tâm thế của một người lữ hành say mê lịch sử, và là người ngoại đạo về kiến trúc; anh chỉ bắt đầu làm quen với Hà Nội từ năm 1984. Trước đó, kiến trúc Pháp tại Hà Nội trong hình dung của anh là qua hình ảnh, tem thư.
“Lần đầu tiên đến Đại học Tổng hợp Hà Nội, số 19 Lê Thánh Tông, tôi thấy ngạc nhiên vì vẻ đẹp và quy mô của công trình mà trước đây, tôi mới chỉ được thấy qua tem bưu chính. Đặc biệt là khu vực phố cổ Hà Nội có nhiều biệt thự nhỏ có kiểu kiến trúc rất thanh nhã, tinh xảo và độc đáo… Những công trình này không chỉ mang kiểu dáng kiến trúc Pháp thời Đông Dương, mà còn mang cả lịch sử, số phận, những câu chuyện, những con người đằng sau đó”.
Nối dài sứ mệnh di sản
Theo nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, qua những kiến trúc Pháp – Đông Dương, chúng ta nhìn thấy dòng chảy lịch sử. Đầu tiên là thời kỳ trước 1945 khi người Pháp đến Việt Nam, họ tạo ra những công trình mới. Không chỉ thể hiện cách người Pháp cai trị Việt Nam lúc đó mà những công trình này đồng thời cho thấy cả đóng góp của người Việt. Một số vật liệu xây dựng được lấy từ tường thành Hà Nội, họ sử dụng những vật liệu xây dựng, nhân công tại chỗ. Đặc biệt là họ tiếp thu những kinh nghiệm về xây dựng nhà cửa ở xứ nhiệt đới vào trong công trình của Pháp.
Nhìn lại những lớp kiến trúc đã nhuốm màu thời gian, dấu ấn nghệ thuật, văn hóa cho thấy sự giao hòa phong cách cổ điển Đông – Tây đặc trưng. Nhiều ý kiến cho rằng, chính sự kết hợp này đã hiện đại hóa kiến trúc Việt Nam, tạo nên dòng kiến trúc Đông Dương. Ở đó, kiến trúc sư thiết kế đan xen nét độc đáo văn hóa Á Đông vào các công trình. Chẳng hạn, mái ngói âm dương là đặc trưng kiến trúc phương Đông còn lưu giữ trong phong cách Đông Dương. Hệ cửa có dạng cuốn vòm và kết cấu 2 lớp mang đến giải pháp kiến trúc lấy gió, hứng nắng cho các ngôi nhà Việt. Hay vẻ đẹp hoài cổ thể hiện ở các hoa văn, họa tiết và màu sắc, mang dáng vẻ Á Đông nhưng lại có nét cổ kính, sang trọng của châu Âu. Những điều này đồng thời đã ảnh hưởng sâu sắc đến những thế hệ kiến trúc sư đầu tiên và sau này ở nước ta được đào tạo tại trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam).
Cùng với sự bào mòn của thời gian cũng như những tác động ngoại cảnh, để bảo tồn giá trị cốt lõi của di sản kiến trúc Pháp không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nhận diện đúng và ứng xử phù hợp vẫn luôn là việc làm cần thiết để gìn giữ và phát huy những giá trị hàm chứa trong di sản. TS. KTS Lê Phước Anh, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng chúng ta đã có khoảng lùi về thời gian để nhìn nhận về ký ức đô thị cũng như đến lúc phải mổ xẻ cách chúng ta ứng xử với kiến trúc Pháp.
“Dường như, di sản thực sự đang đối diện với sự đe dọa, khi nhiều công trình kiến trúc Pháp – Đông Dương ở Hà Nội đang xuống cấp. Việc sao chép, học tập phong cách, hay tôn tạo, làm mới như hiện nay là cách tôn vinh, phát huy giá trị di sản hay làm cho kiến trúc thực sự bị pha loãng, mất đi giá trị đích thực của nó…? Còn nhiều điều phải bàn đến để nối dài sứ mệnh di sản, để di sản kiến trúc hôm nay vẫn là di sản hiện hữu ngày mai”, TS. KTS Lê Phước Anh nói.
Bình luận